PHP là gì? Những lý do nên sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP là gì

2917
11-09-2021
PHP là gì? Những lý do nên sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP là gì

PHP là một ngôn ngữ lập trình phổ biến đã tồn tại hơn hai thập kỷ trên thị trường. Hiện nay, PHP được sử dụng bởi hơn 77% trang web trên toàn cầu, trong đó có cả những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Wordpress... Trong bài viết này, BizFly Cloud sẽ cùng bạn khám phá PHP là gì cũng như ưu nhược điểm của PHP để giúp bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho dự án của mình.

PHP là gì?

PHP (PHP Hypertext Preprocessor) là ngôn ngữ Server-side script được thực thi trong WebServer. Ngôn ngữ PHP cung cấp cho người dùng cơ sở hạ tầng chặt chẽ bao gồm giao thức, API, cơ sở dữ liệu,… Ngôn ngữ này được sử dụng để lập trình website.

PHP có thể kết nối những website có giao diện bằng HTML với nhau để chạy trên hệ thống máy chủ. Do có cấu trúc đơn giản, dễ học, ngôn ngữ PHP trở thành ngôn ngữ lập trình web căn bản, phù hợp với những người bắt đầu tìm hiểu về lập trình website.

PHP là gì

PHP là ngôn ngữ Server-side script được thực thi trong WebServer

Tại sao nên sử dụng ngôn ngữ PHP?

Đối với lập trình web, ngôn ngữ PHP vẫn luôn được sử dụng và thịnh hành đến bây giờ nhờ vào các ưu điểm mà ít ngôn ngữ lập trình nào đạt được:

  • Dễ dàng học: PHP có cấu trúc đơn giản, dễ hiểu, bạn có thể dễ dàng học ngôn ngữ này nhanh hơn các loại ngôn ngữ khác.
  • Được nhiều người sử dụng: Tất cả các website được làm từ Wordpress đều lập trình bằng PHP. Do đó, nhiều người sử dụng Wordpress đồng nghĩa sử dụng PHP tạo nên các website về thương mại điện tử, giáo dục, blogs, truyền thông,…
  • Cộng đồng hỗ trợ miễn phí: Vì nhiều người sử dụng PHP nên cộng đồng hỗ trợ về ngôn ngữ này cũng nhiều hơn. Bạn sẽ được hỗ trợ hết mình về các vấn đề và hướng giải quyết trong lập trình.
  • Áp dụng được nhiều framework: PHP là ngôn ngữ lập trình có thể sử dụng nhiều framework để lập trình tính năng nhanh chóng hơn. Với một số dự án, bạn sẽ không cần tốn thời gian để xây dựng website từ đầu.
  • Hệ thống bảo mật cao: Với hệ thống mã nguồn mở như ngôn ngữ PHP, cộng đồng dễ dàng phát hiện những lỗi bảo mật và khắc phục chúng. Người dùng sử dụng PHP các phiên bản sau này đều không gặp lỗi nhiều cũng như việc bảo mật được tăng cao.
Tại sao nên sử dụng ngôn ngữ PHP

PHP có cấu trúc đơn giản, dễ hiểu, dễ dàng học

Sự khác biệt giữa PHP và ngôn ngữ lập trình khác?

Hiện nay trên thị trường có nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau. Mỗi ngôn ngữ đều có đặc điểm nổi bật cũng như những tiện ích mang lại. Tuy nhiên, PHP vẫn được nhiều người lựa chọn vì sự khác biệt so với các ngôn ngữ lập trình khác:

  • PHP không chạy chương trình web trên trình duyệt mà thông qua máy chủ web.
  • PHP liên kết các file được lập trình bằng ngôn ngữ CSS, Javascript và HTML để xây dựng nên web hoàn chỉnh.
  • PHP hỗ trợ nhiều loại cơ sở dữ liệu. Người dùng sử dụng PHP có thể kết nối với nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau và lấy lại dữ liệu khi gặp sự cố.
  • PHP có thể chạy trên đa môi trường từ các loại máy chủ web (Apache, Caudium, Microsoft IIS, Netscape Enterprise Server) cho đến các hệ điều hành thịnh hành hiện nay (Windows, Linux, Mac OS, UNIX).

Khả năng kết hợp PHP và JavaScript

Website được chia làm hai loại là website động và website tĩnh. Để làm được website động, người dùng cần sử dụng JavaScript để tạo nên các hiệu ứng cần thiết như thư viện thêm ảnh, tự động sửa lỗi hoặc hiệu ứng các thanh công cụ,… Tuy nhiên, JavaScript được sử dụng chủ yếu tạo hiệu ứng nhưng lại không tạo được nội dung động.

Ngoài yếu tố hiệu ứng động, nội dung động cũng là phần cần thiết cho website. Đây chính là phần mà ngôn ngữ PHP sẽ thực hiện. Do đó, kết hợp cả PHP và JavaScript sẽ giúp người dùng có website động về hiệu ứng cũng như nội dung. 

Khi người dùng đăng nhập hoặc đăng ký trên web, bảng đăng ký/đăng nhập hiện ra nhờ vào JavaScript, thông tin người dùng nhập vào bảng sẽ được đưa tới cơ sở dữ liệu nhờ vào PHP.

Khả năng kết hợp PHP và JavaScript

PHP và JavaScript kết hợp giúp người dùng có website động về hiệu ứng

Thông qua PHP, người dùng có thể thay đổi thông tin đăng nhập của bản thân một cách dễ dàng. Về JavaScript thì chỉ có lập trình viên thay đổi để đạt được hiệu ứng tốt hơn hoặc chỉnh sửa hiệu ứng tùy theo ý của chủ website. 

Vì thế, ngôn ngữ lập trình PHP và JavaScript không phải là đối thủ của nhau mà là hai ngôn ngữ hỗ trợ nhau để tạo ra website đáp ứng vừa giao diện vừa tính năng động.

Ưu, nhược điểm nổi bật của PHP

PHP được đánh giá là một trong số các ngôn ngữ lập trình đơn giản nhất để phát triển web với nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên PHP cũng tồn tại một số khuyết điểm làm nó dần mất đi tính phổ biến. Hãy cùng xem xét những ưu và nhược điểm của PHP dưới đây để cân nhắc cho dự án của bạn.

1. Ưu điểm của PHP

PHP có một số ưu điểm đã khiến nó trở nên phổ biến và sử dụng cho các máy chủ web trong hơn 15 năm nay. Dưới đây là một số ưu điểm của PHP:

  • Đa nền tảng: PHP độc lập với nền tảng, các ứng dụng dựa trên PHP có thể chạy trên bất kỳ hệ điều hành nào như UNIX, Linux, Windows, v.v…
  • Mã nguồn mở: PHP là mã nguồn mở và miễn phí. Nó có thể được tải xuống ở bất kỳ đâu và sẵn sàng sử dụng cho các sự kiện hoặc ứng dụng web.
  • Dễ học: PHP không khó học đối với những người mới bắt đầu. Bạn có thể chọn nó nếu bạn đã có kiến thức lập trình.
  • PHP đồng bộ với tất cả các Cơ sở dữ liệu: Bạn có thể dễ dàng kết nối PHP với tất cả các Database, relational hoặc non-relational. Vì vậy, nó có thể kết nối nhanh chóng với MySQL, Postgres, MongoDB hoặc bất kỳ cơ sở dữ liệu nào khác.
  • Cải thiện tốc độ tải trang: Việc sử dụng PHP làm cho các trang web tải nhanh hơn so với nhiều công nghệ phát triển web khác (ví dụ PHP nhanh hơn Python khoảng 3 lần cho hầu hết các trường hợp sử dụng). Thời gian tải là một yếu tố quan trọng để xếp hạng trang web. Tốc độ tải nhanh hơn sẽ giúp khách hàng hài lòng và giữ chân khách hàng.
  • Khả năng tương thích với các dịch vụ đám mây: Ngày nay, nhiều sản phẩm hiện đại có xu hướng sử dụng các giải pháp điện toán đám mây như Bizfly Cloud cho nhiều mục đích khác nhau. Các ứng dụng được viết bằng PHP được hỗ trợ bởi các dịch vụ đám mây khác nhau. Do đó, một ứng dụng PHP có thể được triển khai trên một máy chủ đám mây và đạt được khả năng mở rộng linh hoạt và các lợi thế khác.
  • Khả năng kết hợp với HTML: PHP được thiết kế để đồng bộ hóa hoàn hảo với HTML. Hơn nữa, khả năng tương thích giữa HTML và PHP mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Ví dụ: nếu bạn có một trang web dựa trên HTML, bạn có thể dễ dàng tích hợp mã hóa PHP mà không làm ảnh hưởng đến tập lệnh HTML hiện có của trang web, và ngược lại.
  • Cộng đồng hỗ trợ: PHP có một cộng đồng hỗ trợ trực tuyến rất nhiệt tình. Tài liệu chính thức cung cấp đầy đủ hướng dẫn về cách sử dụng các tính năng và bạn có thể dễ dàng khắc phục sự cố.

2. Nhược điểm của PHP

  • Vấn đề bảo mật: Do tính chất mã nguồn mở, nơi các tệp ASCII có thể dễ dàng truy cập, vấn đề bảo mật là nhược điểm đáng lo ngại nhất của PHP. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp bạn có đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, bạn không cần quá lo lắng về tính bảo mật của sản phẩm.
  • Thiếu thư viện dành riêng cho nhu cầu mới: Mặc dù PHP có bộ thư viện của nó nhưng PHP không thể cạnh tranh với Python trong việc phát triển các ứng dụng web được hỗ trợ bởi máy học (ML). Nếu ứng dụng của bạn yêu cầu chức năng ML hoặc có thể yêu cầu nó trong tương lai khi doanh nghiệp của bạn mở rộng quy mô, thì PHP không phải là lựa chọn tốt nhất.
  • Hiệu suất kém: Việc sử dụng nhiều tính năng cùng một lúc có thể dẫn đến các ứng dụng trực tuyến đạt hiệu suất kém. Do đó, nó cũng không phù hợp với một ứng dụng web content-based khổng lồ.
  • PHP có ít công cụ debugger hơn so với các ngôn ngữ lập trình khác. Những công cụ này cần thiết để tìm lỗi và cảnh báo.
  • Mức độ phổ biến giảm: Mặc dù PHP vẫn chiếm thị phần lớn, nhưng mức độ phổ biến của nó đang giảm. Lý do là sự xuất hiện của nhiều ngôn ngữ lập trình ứng dụng web đơn giản và dễ học. Một loạt các nhà phát triển mới tham gia thị trường đang chọn các ngôn ngữ đơn giản như Python thay vì PHP. Vì vậy, nguồn nhân tài đang bị thu hẹp, về lâu dài sẽ không dễ dàng tìm được các chuyên gia có thể xử lý các trang web và ứng dụng PHP.

Ứng dụng của PHP là gì?

Theo PYPL (Popularity of Programming Language Index), PHP là ngôn ngữ mã hóa phổ biến thứ năm trên thế giới. PHP đang được sử dụng rộng rãi trong việc phát triển các ứng dụng như:

1. Các trang web và ứng dụng web-based

Ngôn ngữ PHP được sử dụng để phát triển cả các trang web tĩnh và động cũng như các ứng dụng web yêu cầu tùy chỉnh cấp cao nhất và giao diện người dùng có tính tương tác cao. Kiến trúc 3-tier của PHP, bao gồm database tier, middle tier và client tier, đảm bảo rằng các ứng dụng web được phát triển có giao diện người dùng tương tác, có thể tích hợp liền mạch với cơ sở dữ liệu và có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến. Hơn nữa, PHP đi kèm với nhiều cơ chế tích hợp, chẳng hạn như định tuyến, xác thực người dùng, bảo vệ CSRF và trình tạo truy vấn SQL, do đó PHP vẫn nằm trong số các ngôn ngữ phát triển web hàng đầu.

2. Hệ thống quản lý nội dung web (CMS)

PHP có thể thiết lập một kết nối mạnh mẽ với cơ sở dữ liệu như Oracle, MySQL, MS Access, v.v. và được thiết kế để hoạt động với các dịch vụ khác dựa trên các giao thức nhất định như HTTP, LDAP, POP3, IMAP, NNTP, SNM , v.v. PHP được sử dụng để quản lý các trang web tĩnh nhỏ và cả các trang web lớn dạng content-based như CMS. Drupal, Joomla, Facebook, MediaWiki, Silverstripe và Digg cũng dựa trên PHP. Một nền tảng rất nổi tiếng là WordPress cũng được quản lý bằng PHP.

3. Ứng dụng thương mại điện tử

Một ứng dụng phổ biến khác của PHP là tạo ra các ứng dụng Thương mại điện tử mạnh mẽ. Vì PHP hỗ trợ tạo giao diện người dùng tương tác và giao dịch trực tuyến, nên việc phát triển các ứng dụng Thương mại điện tử sử dụng PHP là khá đơn giản. Ngoài ra, nhiều PHP framework như CakePHP và CodeIgniter, giúp tạo các ứng dụng Thương mại điện tử một cách dễ dàng và hiệu quả. Các nền tảng Thương mại điện tử nổi tiếng như Magento, OpenCart, Zen Cart, PrestaShop, AgoraCart và Ubercart, v.v. đều dựa trên PHP.

4. Ứng dụng dựa trên GUI

Cùng với các ứng dụng web, PHP được sử dụng rộng rãi để tạo các ứng dụng dựa trên GUI. Có rất nhiều công cụ có sẵn, chẳng hạn như PHP-GTK 2, DevelStudio và ZZEE PHP GUI, cho phép bạn viết các tập lệnh bằng PHP và biên dịch chúng thành các tệp .exe để thực thi.

5. Xử lý hình ảnh và thiết kế đồ họa

Nhiều thư viện xử lý hình ảnh PHP như Imagine, thư viện GB, ImageMagick có thể được tích hợp với các ứng dụng PHP. Bạn có thể tận dụng các tính năng xử lý hình ảnh, thao tác trên hình ảnh, xoay, cắt, thay đổi kích thước, hình ảnh thu nhỏ... Các loại định dạng khác nhau cũng có sẵn cho hình ảnh bao gồm jpeg, gif, wbmp, XMP, png, v.v. Php được sử dụng để phát triển các ứng dụng và trang web mạnh mẽ.

6. Biểu diễn dữ liệu

Biểu diễn dữ liệu đóng một vai trò rất quan trọng để thu hút người dùng đến với trang web và nâng cao mức độ phổ biến của ứng dụng. Ngôn ngữ lập trình PHP cung cấp nhiều dạng biểu diễn dữ liệu như Hình ảnh, Đồ thị, Biểu đồ, v.v. giúp dữ liệu dễ biểu diễn và đơn giản hơn. Các trang web Thương mại điện tử, ứng dụng máy tính để bàn và phần mềm khác nhau có thể được thiết kế bằng cách sử dụng tính năng này, qua đó thu hút nhiều người dùng hơn và giúp tăng hiệu quả thương hiệu cho doanh nghiệp.

7. Tạo file PDF

PHP rất hữu ích trong việc tạo file PDF. Nó có một thư viện tích hợp có tên PDFLib cho phép bạn tạo và thao tác các tệp PDF. Ngoài ra, thư viện này sẽ hỗ trợ bạn tạo hệ thống lập hóa đơn trực tuyến, nơi người dùng có thể tạo hóa đơn theo định hướng HTML trong các tệp PDF.

8. Tạo Flash

Ming là một ví dụ về thư viện mã nguồn mở hỗ trợ tạo Flash ở định dạng tệp .SWT. Định dạng tệp này chứa phần lớn các tính năng của Flash, chẳng hạn như gradient, bitmap (png và jpeg), morphs, hình dạng, văn bản, nút, hành động và animation. Ngoài ra, PHP giúp đơn giản hóa việc thiết kế và thêm các thành phần Flash như biểu mẫu đăng nhập và biểu mẫu email vào các trang web động.

5 cách học PHP hiệu quả

Đối với những lập trình viên mới vào nghề, PHP là một trong những lựa chọn tốt nhất để bắt đầu. Đây là một ngôn ngữ siêu đơn giản, dễ hiểu và dễ sử dụng. Dưới đây là một số cách học PHP hiệu quả mà Bizfly Cloud gợi ý cho bạn:

1. Học HTML và CSS trước

Học các ngôn ngữ lập trình web khác như HTML và CSS có thể giúp bạn hiểu rõ về các quy trình bạn có thể sử dụng để thiết kế và thay đổi trang web bằng lập trình trước khi học PHP. HTML tạo nền tảng cho nhiều trang web và thường kiểm soát giao diện người dùng, đó là những gì người dùng sẽ nhìn thấy. CSS là một ngôn ngữ có thể thay đổi định dạng và hình thức của các ngôn ngữ lập trình như HTML và PHP, và các lập trình viên sử dụng CSS để tạo giao diện hấp dẫn cho các trang web sau khi đã tạo các chức năng cơ bản thông qua HTML.

2. Cài đặt môi trường phát triển cục bộ trên máy tính của bạn

Cài đặt môi trường phát triển cục bộ có thể giúp bạn đọc và hiểu server-side của một trang web bố cục như thế nào. Thông thường, người dùng không bao giờ nhìn thấy các quy trình phía máy chủ, vì vậy bạn cần phải làm việc với môi trường này.

3. Cài đặt code editor

Code editor hay trình soạn thảo code là một chương trình giúp bạn viết bằng các ngôn ngữ lập trình mà bạn biết. Nó sẽ giúp trực quan hóa code của bạn. Code editor cũng có các công cụ hữu ích như: Code autocomplete, Advanced searches, Code highlighting.

4. Nắm vững kiến thức cơ bản

Điều quan trọng nhất là phải thực hành các kỹ năng mà bạn đã học và tìm hiểu về PHP. Khi bạn đã sử dụng PHP một thời gian, hãy cân nhắc đăng ký các khóa học PHP hoặc xem các hướng dẫn trực tuyến để tìm hiểu thêm. Học hỏi từ những người có kinh nghiệm cách họ sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP ra sao cũng có thể giúp bạn biết thêm về các mẹo hữu ích.


Có thể nói PHP là ngôn ngữ đa năng và phù hợp với các bạn muốn theo hướng lập trình web. Tìm hiểu về PHP, bạn sẽ nắm được các kiến thức cơ bản về website cũng như kỹ năng lập trình cần thiết. Hãy theo dõi BizFly Cloud để đón chờ các bài viết khác về PHP nhé.

TAGS: PHP
SHARE